8 Nguyên tắc sử dụng Gas chị em Nội Trợ cần biết để Bếp luôn được AN TOÀN
An toàn khi sử dụng Gas luôn là vấn đề Chị em nội trợ luôn quan tâm. Chắc hẳn, Chị em đã đọc được nhiều cảnh báo an toàn khi sử dụng bếp gas, nhưng như vậy đã đủ chưa?
Tham khảo nhanh qua bài viết mà Gas Thanh Lâm đã tổng hợp lại để sử dụng Gas được an toàn và hiệu quả hơn nhé !
Nguyên tắc 1 : Lắp đặt bếp đúng tiêu chuẩn, an toàn
Đặt bếp gas ở vị trí thông thoáng nhưng không nên để sát cửa sổ hay nơi có gió lùa trực tiếp.
Đặt bếp trên bàn bằng đá, xi măng... không nên đặt trên bàn có chất liệu bằng gỗ vì dễ bắt lửa.
Bếp gas lắp cách trần tối thiểu 1m, cách tường hoặc vật chắn khác ít nhất 15cm, xa các vật liệu dễ bắt lửa hay cháy nổ.
Bình gas cần đặt thẳng đứng và thấp hơn bếp gas, đặt trong tủ bếp có thể lưu thông khí (phòng trường hợp khí gas rò rỉ có thể phát hiện ngay). Bình gas cũng cần để xa bếp và các nguồn điện tối thiểu 1,5m.
Dây dẫn đảm bảo còn mới nguyên, không bị nứt gãy hay gấp khúc khi lắp đặt.
Khi lắp bình gas với bếp, kiểm tra bật bếp thử để kiểm tra ngọn lửa, tắt bếp đúng quy trình để kiểm tra xem van có kín không.
Nguyên tắc 2 : Chọn Bình Gas uy tín, an toàn
Thông thường với một vỏ bình đúng tiêu chuẩn sẽ có chữ khắc nổi của thương hiệu trên vỏ. Bên trong có chữ xác nhận, thân bình gas được dập bằng khuôn thép; vỏ được đem đi kiểm định cũng như thử áp lực… rồi mới có thể chứa gas bán ra thị trường.
Với một bình gas giả, chữ nổi phía trên vỏ bình của hãng gas chính hãng sẽ được dập cho mất đi, thậm chí đốt, tháo van, thay đế, rồi hàn lại… để xóa mọi dấu vết của vỏ bình chính hãng, thay vào đó là tên của đơn vị khác.
Cách chọn bình gas đảm bảo an toàn như sau: bình gas được cung cấp bởi những hãng gas có tên tuổi, uy tín; cẩn thận trước những loại bình gas không rõ nguồn gốc từ cơ sở chiết lậu gas.Chọn bình gas nguyên vẹn, không móp và rỉ sét, nước sơn mới nguyên.
Nếu dùng bếp gas mini khi đổi bình gas cần phải xem kỹ hạn sử dụng, nhà sản xuất, đã được kiểm định hay chưa… để đảm bảo an toàn khi sử dụng
Nguyên tắc 3: Khoá van bình gas rồi mới tắt bếp
Lúc mở bếp bạn chỉ cần vặn 1 đến 2 vòng, không nên vặn quá nhiều. Khi sử dụng xong luôn nhớ phải khóa van: nên khóa van trước rồi mới tắt bếp.
Nhiều người có thói quen tắt bếp rồi mới khóa van bình gas, nhưng quên một điều rằng gas vẫn còn trong đường dây dẫn. Hoặc cũng có những trường hợp chỉ khóa bình mà không tắt bếp dẫn tới việc gas có thể bị rò rỉ ra ngoài.
Cần sử dụng nồi có kích cỡ vừa vặn với bếp. Ví dụ khi sử dụng bếp gas mini mà lại dùng các nồi to sẽ làm tăng lượng nhiệt dưới đáy nồi truyền sang bình gas mini khiến cho áp suất trong bình tăng lên và có nguy cơ phát nổ.
Vì vậy, hãy tạo thói quen an toàn: sau khi nấu ăn xong, bạn hãy khóa van bình ga lại, đợi cho lửa trên bếp tắt hẳn, sau đó tắt bếp. Nếu vậy, chỉ cần bình ga bạn sử dụng đủ tốt là đã đảm bảo an toàn cho gia đình khỏi nguy cơ rò rỉ ga gây cháy nổ.
Nguyên tắc 4: Vệ sinh bếp thường xuyên
Điều này không những giúp không gian nấu nướng luôn được sạch sẽ, ngăn chặn sự xâm hại của các vi khuẩn mà còn giúp cho bếp tăng độ bền, an toàn khi sử dụng.
Vệ sinh thường xuyên giúp bếp gas không bị gỉ sét, hư hại. Khi đó, hệ thống đánh lửa sẽ hoạt động tốt, đảm bảo an toàn.
Vì thế, nếu bếp gas của đã quá cũ và rỉ sét nhiều, hãy thay bếp mới để công việc nấu nướng thuận tiện hơn và an toàn hơn cho căn nhà.
Nguyên tắc 5: Dùng bệ bếp từ vật liệu không bắt lửa
Đây là nguyên tắc rất quan trọng: bệ bếp gas không làm từ chất liệu dễ cháy, những chi tiết trang trí cũng không làm từ chất liệu dễ cháy. Lý do là bởi trong quá trình nấu, lửa bếp có khả năng tiếp xúc với những chất liệu này.
Nếu là vật liệu dễ cháy, khả năng bén lửa, gây cháy nổ là rất cao, không kịp thời dập tắt lửa thì hậu quả còn khủng khiếp hơn. Vì thế, nếu đang đặt bếp gas trên những chiếc bàn gỗ, hãy loại bỏ chúng ngay để tránh hiểm họa có thể xảy ra.
Nguyên tắc 6: Kiểm tra an toàn bếp định kỳ
06 tháng đến 1 năm/1 lần kiểm tra bếp, bình gas, dây dẫn gas và cả van khóa.
2 - 3 năm thay mới ống dẫn gas, và 5 năm thay mới van điều áp.
Nên thay mới khi bếp gas đã quá cũ và hư hỏng.
Không dùng bình ga quá cũ, nhất là có dấu hiệu hoen gỉ.
Trường hợp bếp gas xuất hiện gỉ sét nhưng vẫn hoạt động tốt, nên thường xuyên lưu ý vị trí gỉ sét nhất là khi nó gần bộ phận đánh lửa, đầu đốt của bếp vì sẽ dễ gây rò rỉ ga và bắt lửa sang vị trí hoen gỉ đó.
Nguyên tắc 7: Không để trẻ em chơi đùa trong khu vực nhà bếp
Bé thường tò mò, táy máy, không ý thức được hết những nguy hiểm có thể phát sinh... nên sẽ khá nguy hiểm nếu để trẻ em tự ý sử dụng bếp gas trong gia đình.
Nếu trẻ nhỏ nhà bạn chưa đủ nhận thức để sử dụng bếp gas an toàn, hãy cảnh báo và xem chừng chúng.
Còn nếu thấy bé đã đủ khả năng sử dụng an toàn bạn cũng nên quan sát và chỉ dẫn thêm để phòng tránh các tình huống nguy hại có thể xảy ra.
Nguyên tắc 8: Luôn bên cạnh bếp khi đang nấu
Có những nguy hiểm bất ngờ mà bạn sẽ không thể lường trước được nếu chủ quan bỏ quên món ăn trên bếp gas đang cháy như: thực phẩm trào khi sôi gây tắt bếp hay bốc lửa lớn, gió có thể vô tình thổi tắt bếp, hoặc thổi một vật dễ bắt lửa vào bếp đang cháy.
Do vậy, hãy luôn túc trực gần bếp suốt quá trình đun nấu vì sự an toàn của bạn và gia đình.